Không nên trì hoãn

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho rằng, người lao động chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.

Những năm gần đây, đời sống, việc làm của công nhân lao động đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gây bức xúc trong công nhân, lao động. Nhiều vấn đề cấp bách của công nhân còn kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng.

Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch diễn ra, những vấn đề đó tiếp tục bị “lật tung” lên và hiện ra rõ hơn, trầm trọng hơn. Tiền lương thấp và thiếu tích luỹ; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm.

Theo khảo sát của Viện Công nhân, công đoàn năm 2020 cho thấy, có tới 66% người lao động hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% công nhân đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan.

Còn theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về nhu cầu tăng lương tại doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 3/2022 trên hơn 2.000 công nhân trong cả nước cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân, lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân vẫn rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.

Tiền lương của người lao động có mối quan hệ chặt chẽ, hai chiều và biện chứng với sự ổn định của thị trường lao động, với sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, trong đó tiền lương với người lao động phải là yếu tố đi trước. C

ó một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù công nhân, lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Người lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 - 70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ...

Có lẽ vì vậy làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình.

Khảo sát trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho thấy những con số đáng báo động. Tiền lương thấp là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu thốn chi tiêu sinh hoạt trong tháng.

Có hơn 55% công nhân, lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống.

23% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và có hơn 13% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống mức sống cơ bản tối thiểu.

12% công nhân lao động cho biết thường xuyên đi vay hàng tháng để chi tiêu, ổn định cuộc sống. 35% số được khảo sát nói thi thoảng phải đi vay, chỉ có hơn 17% nói không phải đi vay tiền để chi tiêu.

Do túng quẫn nên có tới hơn 1/5 số lao động được khảo sát cho biết họ từng đã rút BHXH một lần (chiếm hơn 20%), sau đó lại tiếp tục tham gia BHXH.

Bữa cơm thiếu thịt, cá

Cũng theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, 5% công nhân được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt, cá (chỉ 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng có ăn (3 lần/tuần); 41% cho biết chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

Đối với lao động nhập cư, để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên phải vay tiền, 35,6% thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải đi vay...

Để bù đắp thu nhập, hơn 44% lao động được khảo sát chọn giải pháp làm thêm để tăng thu nhập. Có 69% doanh nghiệp được khảo sát ủng hộ tăng lương tối thiểu từ 1/7.

Như vậy, có thể thấy tiền lương tác động trực tiếp tới đời sống của người lao động, có tác động trực tiếp trong việc ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết để giảm thiểu ngừng việc tập thể và đình công, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cần có nhiều giải pháp một cách đồng bộ, cả trước mắt lẫn lâu dài.

Việc Chính phủ sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho người lao động sớm cải thiện cuộc sống, vừa hỗ trợ tích cực cho hai bên trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động tập thể, đình công phát sinh.

Đưa ra các giải pháp hỗ trợ người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, cần sớm tăng lương tối thiểu cho người lao động vì chúng ta đã "lỗi hẹn" tăng lương trong suốt 2 năm xảy ra dịch.

“Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của họ thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông Hiểu nói.

Có thể bạn cũng thích

0 bình luận

Viết bình luận

Chia sẻ của bạn để lại dưới bình luận(*).

NHẬN TIN TỨC MỚI

Quảng cáo

BÌNH CHỌN

Bình chọn

Ý kiến người đọc